Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

TẠP CHẤT TRONG XĂNG HIỆN NAY CÓ THỂ GÂY UNG THƯ.

 Sau vụ hàm lượng lưu huỳnh quá cao trong xăng làm hư tổn đến tuổi thọ động cơ xe, giờ đây dư luận lại đang đặc biệt quan tấm tới chất lượng xăng dầu. Những phát hiện mớivề nồng độ benzen - độc tố gây ung thư trong khí thải động cơ cũng khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình.
VnMedia đã trao đổi với ông Michael Baechlin, Cố vấn trưởng Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thuỵ Sỹ (SVCAP) xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết về nồng độ benzen trong khí thải hiện nay ở Hà Nội?                                                                                                                 
Trong khảo sát mới đây tại Hà Nội thì nồng độ Benzen và một số chất độc hại khác tại Hà Nội rất đáng báo động. Cụ thể, theo tiêu chuẩn của WHO thì nồng độ Benzen là 5 microgam/m3 nhưng ở Hà Nội thì nồng độ này cao hơn rất nhiều. Các bạn có thể thấy việc quy định nồng độ benzen thấp như vậy chứng tỏ nó có nguy hại như thế nào đối với sức khoẻ con người. Nên nhớ rằng đây là chất cơ thể không thể bài tiết nên nó tích tụ trong tế bào và gây ra các bệnh ung thư... Ngoài ra, nồng độ các hợp chất độc hại của lưu huỳnh và các loại ô-xít nitơ cũng đang ở mức rất cao.
Vậy theo ông giải pháp cho vấn đề này là gì?
Hiện nay chúng ta nhập khẩu 100% nhiên liệu nên vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải nhập khẩu nhiên liệu sạch hơn để giảm thiểu ô nhiễm.
Theo ông chênh lệch về giá giữa nhập nguyên liệu sạch hơn như ông nói so với nhập khẩu nguyên liệu như hiện nay sẽ như thế nào?
Việc đưa ra một con số chính xác rất khó khăn. Tôi chỉ có thể nói rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên cân nhắc tới việc phải bỏ một số tiền rất lớn trong tương lai để khắc phục những hậu quả của ô nhiễm cũng như chi phí về sức khoẻ. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước đã chứng minh điều đó. Nên chăng đề ra một tiêu chuẩn nhiên liệu được coi là sạch nhất cho VN trong giai đoạn này và đây là một khoản đầu tư sẽ thu được nhiều lợi ích.
Nguồn nhập khẩu nhiên liệu của VN hiện nay chủ yếu từ Singapore, Trung Quốc. Vậy những nước này có thể sản xuất nhiên liệu (xăng, dầu diesel) sạch như ông vừa nói tới hay không?
Chắc chắn là các nước đó có thể sản xuất được nhiên liệu sạch hơn và vấn đề chỉ nằm ở giá cả. Tôi nghĩ nhiên liệu sạch có ở khắp mọi nơi trên thế giới, nếu Petrolimex (doanh nghiệp chiếm tới 60% thị phần phân phối xăng dầu trong nước) đưa ra quyết định thì VN thậm chí có thể nhập khẩu nguyên liệu sạch ngay từ ngày mai.
Hiện nay có tới hơn 10 DN đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu tại thị trường nội địa. Vậy Chương trình Không khí sạch lấy mẫu nguyên liệu xăng, dầu diesel của tất cả các nhà nhập khẩu đó hay chỉ của 1 DN?
Không, chúng tôi không lấy mẫu từ các cây xăng mà nghiên cứu được thực hiện với khí thải từ động cơ xe. Theo tôi được biết, Chính phủ đã đề ra lộ trình giảm thiểu các chất độc hại như lưu huỳnh, benzen trong nguyên liệu và những tiêu chuẩn đó có từ đầu năm nay nhưng việc thực hiện chưa có kết quả cụ thể.
Ông có thể nói rõ hơn về hậu quả của ô nhiễm từ khí thải ở các nước?
Những người thường sống ven các trục đường giao thông chính là một trong những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ khí thải động cơ xe. Chất benzen có tác động tiêu cực, làm giảm tuổi thọ của con người.
Tại VN, chiến dịch lấy mẫu thụ động nghiên cứu khí thải của chúng tôi đã thực hiện hồi đầu năm nay và tháng 8 tới chúng tôi lại thực hiện lần thứ hai để khẳng định kết quả nghiên cứu lần đầu, trước khi công bố tới dư luận cũng như có những khuyến cáo chính thức tới các cơ quan chức năng. Hiện nay, VN vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể đối với hàm lượng benzen.
Vậy có thể hiểu người tiêu dùng VN đang phải mua nhiên liệu giá cao nhưng chất lượng lại không đảm bảo không, thưa ông?
Không hẳn như vậy. Ý tôi muốn nói tới việc giá quá cao mà người tiêu dùng đang phải trả là do nguồn không khí bị ô nhiễm. Chúng ta cùng hít thở chung một bầu không khí mà không ai có thể tránh được nên các chi phí về y tế, sức khoẻ do không khí ô nhiễm gây ra sau này sẽ rất lớn mà không ai có thể tính được. Trong khi đó, cái giá mà chúng ta đầu tư để mua nhiên liệu sạch hơn, với hàm lượng lưu huỳnh, benzen... thấp hơn thì chúng ta lại hoàn toàn có thể tính toán được.
Tại sao các bạn không thử so sánh giá nhiên liệu ở Mỹ với VN xem ở đâu cao hơn. Hiện nhiêu liệu ở thị trường Mỹ được coi là rẻ nhất thế giới, trong khi chất lượng lại rất tốt. Và tôi nghĩ cần phải có thêm những nghiên cứu để xác định chất lượng nhiên liệu ở VN và thấy chất lượng đó đang đứng ở mức nào trên thế giới.
Trước khi có thể được sử dụng nhiên liệu tốt hơn, ông có lời khuyên gì cho người tiêu dùng?
Tôi cho rằng cách tốt nhất là các bạn phải học lái xe sinh thái, có nghĩa là tránh phanh không cần thiết, tốc độ hợp lý, tắt máy ở một số điểm dừng chờ đèn giao thông... Điều đó sẽ giúp các bạn tiết kiệm nhiên liệu và nhờ đó cũng giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Ngoài ra, các bạn cũng không nên sử dụng xe trong những trường hợp không cần thiết(quãng đường gần, hay các bạn trẻ thường đi xe lòng vòng trên các đường phố vào ban đêm...).
Ông đã sống ở VN bao lâu và ô nhiễm không khí đã tác động như thế nào tới sức khoẻ của cá nhân ông?
Tôi đã ở VN khoảng 1 năm. Hiện nay chất lượng không khí chưa đến mức báo động lắm. Tuy nhiên trong các tháng 1, 2, 3 là thời điểm kết hợp với điều kiện khí hậu nên chất lượng không khí tại Hà Nội rất tồi tệ, rất dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp. Tôi được biết có nghiên cứu họ đã tiến hành tại 5 thành phố, trong đó có Hà Nội, Bangkok, Jakacta, Manila, Bắc Kinh thì Hà Nội chỉ đứng sau Bắc Kinh về mức độ ô nhiễm bụi.
Xin cảm ơn ông!
Việt Báo (Theo_VnMedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét