Sự luân chuyển liên tục không khí từ bên ngoài vào trong phòng càng cao thì lượng virus gây cảm lạnh tích tụ càng giảm. Đây là cách ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ lây nhiễm chứng cảm lạnh cho những người làm việc thường xuyên trong phòng.
Tiến sĩ Donald K.Milton và cộng sự của Đại học Harvard (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu về mối liên hệ nhân quả giữa hoạt động thông gió trong các tòa nhà với những bệnh hô hấp. Họ đã lấy mẫu không khí trong 3 tòa nhà công sở vào những ngày làm việc và dịch nhầy từ mũi của những người thường xuyên ở đó, rồi sử dụng các kỹ thuật phân tử để phát hiện virus rhino chuyên gây cảm lạnh thường. Cách đánh giá mức độ tích tụ không khí bẩn trong phòng và sự lưu thông khí dựa vào nồng độ cacbon dioxide trong các mẫu khí này.
Họ phát hiện ra loại virus rhino có trong dịch nhầy mũi của một số nhân viên làm việc trong một tòa nhà hoàn toàn giống với siêu vi trùng được tìm thấy trong thiết bị lọc không khí của tòa nhà trong thời gian họ bị cảm lạnh. Số virus này tương quan với nồng độ không khí bẩn tích tụ ở đây. "Có thể khẳng định rằng hoạt động lưu thông khí kém dẫn tới sự gia tăng nồng độ cacbon dioxide là nguyên nhân làm xuất hiện những bụi nước mang mầm bệnh lơ lửng trong không khí", Milton kết luận.
Cách giải quyết tốt nhất tình trạng này là tăng cường trao đổi không khí bên trong và ngoài phòng. Không chỉ ở các tòa nhà công sở, những nơi như trường học, bệnh viện... cũng cần được trang bị một hệ thống thông khí tốt để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
(Theo Reuters, BSGĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét